Blog Single

Phương thức sản xuất công đoạn: hiệu quả với số lượng nhân viên ít

Trong bài viết này blogsanxuat xin giới thiệu với các bạn phương thức sản xuất tiếp theo là Phương thức sản xuất công đoạn (cell production system).

Đây là phương thức sản xuất phù hợp khi chúng ta sản xuất với số lượng nhỏ và đa chủng loại.

Định nghĩa phương pháp sản xuất công đoạn

Phương thức sản xuất công đoạn được định nghĩa là phương thức sản xuất chế tạo sản phẩm hoàn chỉnh với một hay nhiều nhân viên.

Nghe cũng thấy hơi khó hiểu các bạn nhỉ ^^. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu từ từ nhé.

Sản xuất theo công đoạn hay còn gọi là sản xuất theo nhóm do số lượng nhân viên trong dây chuyền ít hơn so với phương thức sản xuất dây chuyền. Bạn có thể tưởng tượng đơn giản như thế này: Một dây truyền thường cần trên dưới 10 người, còn sản xuất công đoạn chỉ cần 1~5 người. Số lượng nhân viên sẽ là một đặc trưng để nhận biết phương thức này.

Đặc trưng thứ hai để chúng ta phân biệt với phương thức sản xuất dây chuyền là vị trí làm việc của mỗi nhân viên sẽ không cố định do mỗi nhân viên sẽ đảm nhận nhiều hơn một công đoạn. Trong sản xuất dây chuyền nhân viên sẽ đứng yên và sản phẩm di chuyển qua từng vị trí, còn sản xuát công đoạn thì nhân viên sẽ di chuyển cùng với sản phẩm qua các công đoạn mình đảm nhiệm

Đặc trưng thứ ba là phương thức này sẽ không sử dụng băng chuyền mà các công đoạn sẽ được sắp xếp linh hoạt. Mỗi công đoạn sẽ là một bàn làm việc riêng biệt.

Dạng phổ biến nhất chính là hình chữ U. Ngoài ra chúng ta còn có thể sắp xếp các công đoạn theo dạng chữ I như hình dưới.

Sản xuất công đoạn theo hình chữ I
Dạng chữ I
Sản xuất công đoạn theo hình chữ U
Dạng chữ U

Ưu và nhược điểm

Mỗi phương thức sản xuất đều có ưu điểm và nhược điểm. Chúng ta sẽ cùng lần lượt tìm hiểu nhé.

Ưu điểm:

  • Mỗi nhân viên đảm nhận nhiều công đoạn nên ít phát sinh lãng phí do thiếu cân bẳng giữa các công đoạn.
  • Ngoài ra, phương thức này có khả năng đối ứng với trường hợp thay đổi lớn về số lượng sản xuất. Do một nhân viên có thể làm nhiều công đoạn nên chúng ta có thể dễ dàng điều chỉnh số lượng nhân viên.
  • Khác với sự đơn điệu do khối lượng thao tác ít trong sản xuất dây chuyền, thì phương thức sản xuất công đoạn yêu cầu nhân viên phải làm được tại nhiều vị trí, tức là họ biết nhiều việc hơn. Do đó, khi đã thành thạo công việc rồi thì nhân viên sẽ cảm thấy rõ ràng sự trưởng thành dẫn đến nâng cao động lực làm việc.

Nhược điểm:

  • Do phải đảm nhận nhiều công đoạn nên thời gian đào tạo nhân viên dài.
  • Ngoài ra, cho đến khi nhân viên thành thạo công việc thì dây chuyền sẽ không để đạt hiệu quả như mong muốn.

Cuối cùng là một hình ảnh thực tế về phương thức sản xuất công đoạn.

Ví dụ về sản xuất công đoạn