Blog Single

Hệ thống quản lý chất lượng toàn diện TQM và các công cụ chất lượng

Các hoạt động cải tiến chất lượng trong thời kỳ hậu chiến đã bắt đầu với mục tiêu giảm sự biến động trong sản phẩm, tiếp theo là mục tiêu giảm sản phẩm lỗi. Kết quả chung của các hoạt động này là giảm chi phí (nâng cao năng suất) và tăng lợi nhuận của công ty. Tuy nhiên, ngày nay, chúng ta không còn có thể chỉ đơn giản là làm ra một sản phẩm tốt và bán nữa. Bởi vì, các công ty bị đòi hỏi cung cấp được các sản phẩm làm hài lòng khách hàng và các bên liên quan. Kết quả là nếu không tăng doanh số bán hàng thì không thể mong đợi tính bền vững trong các hoạt động của công ty. Đây là lý do khái niệm kiểm soát chất lượng như một chiến lược quản lý được sinh ra.

Tuy nhiên, câu chuyện này chỉ được hình thành trong trường hợp quản lý kiểu Nhật Bản. Như đã đề cập ở trên, các hoạt động QC từ dưới lên (Bottom up) xuất hiện ở Nhật Bản là kết quả của chủ nghĩa “hiện trường sản xuất là số 1”, và sau đó đã trở thành một hoạt động trên quy mô toàn công ty. Do đó, trong chiến lược kinh doanh của công ty thì hoạt động cải tiến của “nhóm chất lượng” cũng mang một ý nghĩa vô cùng to lớn.

Nói cách khác, đây chính là sự dung hoà giữa các hoạt động từ dưới lên với tư cách là “cá nhân” và các hoạt động từ trên xuống (Top down) với tư cách là “tổng thể”. Đây được gọi là TQM theo phong cách Nhật Bản.

Theo phong cách quản lý của Nhật Bản, thành công của TQM (Hệ thống quản lý chất lượng toàn diện) là do những người được thăng cấp từ hiện trường thường trở thành giám đốc điều hành trong công ty trong tương lai. Nói cách khác, những người có kiến ​​thức về hiện trường sản xuất đã xây dựng chiến lược từ trên xuống, dẫn đến sự kết hợp nhuần nhuyễn từ cả hai hướng. Tuy nhiên, ở các công ty Âu Mỹ, đội ngũ quản lý không nhất thiết phải hiểu hiện trường sản xuất, mà phân chia rõ ràng “Hiện trường để sản xuất” còn “Quản lý thì vận hành công ty”. Vì vậy, các hoạt động cải tiến từ hiện trường như nhóm chất lượng đã không được hình thành. Nói cách khác, rất khó để phát triển quản lý chất lượng như một chiến lược quản lý bằng cách kết hợp các phương pháp tiếp cận từ dưới lên và từ trên xuống, như trong TQM của Nhật Bản.

Tuy nhiên, vào những năm 1980, các công ty Hoa Kỳ đã áp dụng cách tiếp cận six-sigma 6σ, tương đương với TQM của Nhật Bản. Nguồn gốc của phương thức này xuất phát từ suy nghĩ làm mất đi sự biến động của SQC và có đặc trưng là các hoạt động được xúc tiến từ trên xuống bởi các nhà lãnh đạo “Đai đen” và “Đai xanh”. Nói cách khác, phương pháp 6σ dường như đã phát triển ở Châu Âu và Hoa Kỳ do sự khác biệt trong văn hóa doanh nghiệp, mặc dù các khái niệm tương tự nhau. Sau này, các công ty cảm thấy không phù hợp và rời bỏ TQM theo phong cách Nhật bản đã từng bước áp dụng 6σ.

Phương pháp và các công cụ chất lượng thường được sử dụng trong TQM

Cơ sở của TQM là QC. Trong QC, điều quan trọng là phải phát hiện ra “khoảng sai khác, khác biệt và biến động” trong dữ liệu được quan sát theo thời gian và không gian xem chúng tồn tại ở đâu và như thế nào, rồi điều tra nguyên nhân dẫn đến phát sinh những ra “khoảng sai khác, khác biệt và biến động” này.

Ngoài ra, chu trình PDCA là một chuỗi các bước để cải tiến và cụ thể hơn nội dung thực hiện cần được thuyết trình tuần tự theo các bước trong “QC Story”. Đây cũng chính là một yêu cầu đối khi đánh giá để nhận giải thưởng Deming. Nội dung chi tiết của QC story sẽ thay đổi theo từng chủ đề, nhưng về căn bản sẽ được thực hiện theo 8 bước giải quyết vấn đề.

Dưới đây là 8 bước giải quyết vấn đề:

1- Lựa chọn chủ đề

2- Làm sáng tỏ vấn đề và thiết lập mục tiêu

3- Thiết lập đối sách

4- Lựa chọn đối sách thích hợp nhất

5- Triển khai đối sách thích hợp nhất

6- Xác nhận hiệu quả

7- Tiêu chuẩn hoá và quản lý duy trì

8- Nhìn lại và lên kế hoạch đối ứng tiếp theo

Hoạt động QC là hoạt động cải tiến liên tục nên còn được gọi là CQI (Continuous Quality Improvement : Cải tiến chất lượng liên tục) hoặc PI (Progressive Improvement: Cải tiến liên tục).

TQM (Hệ thống quản lý chất lượng toàn diện)  là một phương pháp tiếp cận theo định hướng giải quyết vấn đề. Ngoài việc kế thừa QC story, thì TQM còn sử dụng các công cụ khác như 7 công cụ QC, 6σ, nghiên cứu thao tác (OR Operation Research) và phân tích nguyên nhân gốc rễ (RCA: Root Cause Analysis),… để hướng tới thực hiện được phương châm về chiến lược.

quản lý chất lượng toàn diện
quản lý chất lượng toàn diện

TQM là một cách tiếp cận cải tiến liên tục kết hợp giữa cách tiếp cận từ dưới lên (Bottom up) và từ trên xuống (Top down).

Triển khai TQM theo phong cách Nhật Bản thường sử dụng 7 công cụ QC hoặc 7 công cụ mới. 7 công cụ Qc thường sử dụng dữ liệu số, còn 7 công cụ QC mới sẽ sử dụng dữ liệu ngôn ngữ. Những công cụ QC ban đầu được sử dụng nhằm mục đích đơn giản hóa các phương pháp thống kê. Tuy nhiên, sau đó hoạt động QC không chỉ được thực hiện tại hiện trường sản xuất mà còn được triển khai sang các bộ phận gián tiếp, bán hàng, ngành dịch vụ. Khi đó, nếu chỉ xử lý dữ liệu số sẽ không nắm bắt được toàn bộ thông tin nên người ta đã thêm 7 công cụ QC mới. Trên thực tế, hầu hết chúng là các công cụ đã được sử dụng trong quản lý thống kê.

Bảy công cụ QC Bảy công cụ QC mới
1.    Phiếu kiểm soát (Check sheets)

2.    Biểu đồ (Charts.)

3.    Biểu đồ nhân quả (Cause & Effect Diagram)

4.    Biểu đồ Pareto (Pareto chart)

5.    Biểu đồ phân bố (Histogram)

6.    Biểu đồ phân tán (Scatter Diagram)

7.    Biểu đồ kiểm soát (Control Chart)

1.    Biểu đồ cây (Tree Diagram)

2.    Biểu đồ ma trận (Matrix Diagram)

3.    Biểu đồ mũi tên (Arrow Dìagram)

4.    Biểu đồ phân tích dữ liệu ma trận (Matrix Data Analysis Chart)

5.    Biểu đồ quá trình ra quyết định (PDPC Chart)

6.    Biểu đồ quan hệ (Relation Chart)

7.    Biểu đồ tương đồng  (Affinity Diagram)

Việc sử dụng 7 công cụ QC và 7 công cụ QC mới là một đặc trưng của TQM Nhật Bản. Những công cụ thống kê đơn giản này không chỉ được sử dụng thành thạo bởi các nhân viên tại hiện trường sản xuất, mà nhân viên văn phòng, những người không hiểu rõ về thống kê, cũng có thể sử dụng là  một trong những lý do giúp hoạt động QC được triển khai rộng rãi, khởi nguồn dẫn đến sự lan tỏa của TQM.

TQM (Hệ thống quản lý chất lượng toàn diện) là một phương pháp giúp đạt được các mục tiêu kinh doanh của một công ty. TQM không đơn thuần là mục đích hay một công cụ, mà cần phải được xem như một chiến lược kinh doanh nhằm mục đích xây dựng văn hoá cải tiến chất lượng liên tục trên quy mô toàn công ty. Để vận hành được TQM, chúng ta cần xem xét loại dữ liệu nào và phương phân tích nào là cần thiết. Trên thực tế, nhiều công ty đã thực hiện phong trào 5S (Seiri, Seiton, Seiso, Seiketsu, Shitsuke) như một điểm khởi đầu để thực hiện TQM. Phong trào 5S đóng vai trò quan trọng đối với cả việc hiểu rõ tình hình hiện tại và bắt đầu cải tiến, và ngược lại, người ta nói rằng rất khó để đưa các hoạt động QC đi đúng hướng tại những địa điểm không thể thực hiện đúng phong trào 5S.

Mặc dù TQM thường được thúc đẩy dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia tư vấn bên ngoài, nhưng lãnh đạo cao nhất mới là người đưa ra quyết định cuối cùng về việc triển khai TQM. Để triển khai TQM theo đúng mong muốn của công ty, thì điều kiện tiên quyết là bản thân lãnh đạo cao nhất phải hiểu TQM là gì và đưa ra những chỉ đạo quyết liệt trong quá trình triển khai.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *