Blog Single

#2 Phân loại phương pháp kiểm tra

Như Blogsanxuat đã giới thiệu trong bài trước, để đảm bảo chất lượng trong từng công đoạn thì việc chọn một phương pháp kiểm tra là cần thiết.

Tuỳ vào mục đích mà chúng ta sẽ áp dụng phương pháp kiểm tra cho phù hợp. Vậy chúng sẽ cùng tìm hiểu xem có những phương pháp kiểm tra nào nhé.

1. Phân loại phương pháp kiểm tra theo mục đích thực hiện

  • Kiểm tra đầu vào (kiểm tra khi nhập nguyên vật liệu): Đây là khâu kiểm tra áp dụng khi chúng ta nhập vật liệu, chi tiết hoặc bán thành phẩm để tiếp tục gia công hoặc lắp ráp từ công ty khác. Ở công đoạn này chúng ta sẽ phán đoán xem những chi tiết nhập vào có đạt yêu cầu hay không rồi mới quyết định cho nhập kho và sử dụng.
  • Kiểm tra giữa (trong) công đoạn: là khâu kiểm tra chất lượng của chi tiết gia công trong một công đoạn xem có đạt yêu cầu hay không rồi mới quyết định chuyển cho công đoạn tiếp theo sử dụng.
  • Kiểm tra cuối: Đây là khâu kiểm tra áp dụng cho các sản phẩm hoàn chỉnh thường được thực hiện ở công đoạn lắp ráp cuối cùng. Sản phẩm sau khi hoàn thành sẽ được kiểm tra xem có đạt tiêu chuẩn để xuất kho chuyển tới tay khách hàng hay không.
  • Kiểm tra xuất hàng: Đây là khâu kiểm tra trước khi xuất sản phẩm. Ở công đoạn này chúng ta sẽ kiểm tra xem khâu đóng gói có đảm bảo cho quá trình vận chuyển hay không. Trong trường hợp sản phẩm xuất kho ngay sau khi lắp ráp thì kiểm tra xuất hàng cũng bao hàm trong kiểm tra cuối.
  • Tự chủ kiểm tra: Đây là hình thức các công đoạn hay bộ phận tự chủ kiểm tra đảm bảo chất lượng chi tiết hoặc sản phẩm cho mình gia công, lắp ráp.
Các phương pháp kiểm tra theo dòng chảy sản xuất sản phẩm
Các phương pháp kiểm tra theo dòng chảy sản xuất sản phẩm

2. Phân chia theo cách thức thực hiện

  • Kiểm tra toàn bộ chi tiết: là hình thức một bộ phận kiểm tra toàn bộ sản phẩm hoặc dịch vụ do mình cung cấp.
  • Kiểm tra chọn mẫu: là hình thức kiểm tra chỉ sử dụng một vài chi tiết làm mẫu thử thay vì kiểm tra toàn bộ.
  • Kiểm tra gián tiếp: Là hình thức sử dụng kết quả kiểm tra của bên cung cấp chi tiết thay vì tự mình kiểm tra. Hình thức này thường áp dụng khi kiểm tra đầu vào.
  • Kiểm tra không sử dụng thí nghiệm: là hình thức kiểm tra lược bỏ công đoạn thực hiện các thí nghiệm vật lý hoặc hoá học. Hình thức này thường được áp dụng khi chúng ta đã biết chắc chắn rằng khả năng xảy ra sản phẩm lỗi là rất thấp.

3. Phân loại theo tính chất kiểm tra

  • Kiểm tra phá huỷ: là hình thức kiểm tra dùng thí nghiệm phá huỷ. Ví dụ, thử cho sản phẩm rơi ở một độ cao nhất định xuống rồi kiểm tra tính năng sản phẩm có bị ảnh hưởng hay không.
  • Kiểm tra không phá huỷ: là hình thức kiểm tra không dùng thí nghiệm phá huỷ. Trong một số trường hợp nếu không cắt đôi sản phẩm thì không thể kiểm tra được chất lượng của phần bên trong. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp chúng ta có thể sử dụng tia X để kiểm tra chất lượng sản phẩm. Ví dụ, kiểm tra chất lượng sản phẩm đúc mà không cần phải cắt đôi (phá huỷ).

Như vậy, tính sơ sơ chúng ta đã có hơn chục hình thức kiểm tra khác nhau. Tất nhiên, không phải công ty nào cũng sử dụng toàn bộ các phương pháp trên. Điều quan trọng là chúng ta cần chọn một phương pháp thích hợp để đảm bảo được sản phẩm sau kiểm tra đã đạt chất lượng theo thiết kế.

One thought on “#2 Phân loại phương pháp kiểm tra

  1. Pingback: Quản lý chất lượng: Xây dựng chất lượng trong từng công đoạn - BLOG SẢN XUẤT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *