Blog Single

Nghị luận trên cơ sở “Hiện trường – Hiện vật”

Trong tài liệu hay cuộc thảo luận trong phòng họp luôn tồn tại những lời “nói dối”. Nếu biết xây dựng thói quen quan sát “hiện trường”, chúng ta sẽ có thể nhìn thấy vấn đề thực sự và đối sách giải quyết.

Tại Toyota có tồn tại khái niệm “Hiện trường – Hiện vật”.

Với lối suy nghĩ “chỉ cần quan sát hiện trường sẽ nhìn thấy chân tướng của sự việc”, dù vấn đề có lỡ xảy ra, chúng ta sẽ có thể đưa ra quyết định ngay sau khi quan sát cụ thể thương phẩm, sản phẩm và những gì xảy ra tại hiện trường. Bởi vì nếu chỉ sử dụng dữ liệu, tài liệu khi thảo luận trong phòng họp thì chúng ta khó có thể nhìn thấy bản chất của vấn đề.

Khi xảy ra vấn đề, đương nhiên việc tin tưởng báo cáo của nhân viên là rất quan trọng. Tuy nhiên, con người luôn có xu hướng muốn che giấu sai sót nên khó có thể báo cáo 100% sự thật. Có khả năng họ sẽ bẻ cong sự việc theo hướng có lợi cho bản thân mình.

Ngược lại, hiện vật (thương phẩm, sản phẩm) tại hiện trường thì không biết nói dối. Chỉ cần quan sát hiện trường chúng ta thấy rõ những gì đã xảy ra. Vì thế, cấp trên tại Toyota không bao giờ ỷ lại hoàn toàn vào báo cáo của cấp dưới, mà thường tận mắt quan sát hiện trường và nắm bắt những gì đã xảy ra thực tế.

Có một quản lý cấp cao tại Toyota, khi nghe tin một nhân viên chịu trách nhiệm bảo trì máy tại công xưởng bị thương trong khi đang làm việc, đã chẳng quản đêm hôm tới xưởng ngay lập tức. Tới nơi, ông bò xuống dưới gầm máy để xác nhận “hiện trường”, xem nhân viên của mình đã làm việc trong môi trường như thế nào. Hành động này xuất phát từ suy nghĩ, nếu tự mình trải nghiệm lại thực tế biết đâu sẽ có thể nhìn ra vấn đề.

Khi tự mình bò trên sàn bám đầy dầu bẩn và chui vào khoảng không tối tăm dưới gầm máy, ông đã đưa ra chỉ thị cho người chịu trách nhiệm trực tiếp như sau: “Làm việc trong không gian hẹp và tối thế này thì có xảy ra tai nạn cũng chẳng có gì lạ. Cậu hãy giải quyết vấn đề này ngay cho tôi.”

Câu chuyện này cho thấy thói quen xác nhận Hiện trường – Hiện vật đã ngấm vào máu vào nhân viên Toyota, kể cả khi họ đã trở thành quản lý cấp cao.

_______________________________

Tham khảo: Thói Quen Của Toyota – Nghệ Thuật Nâng Cao Năng Suất Công Việc – NXB Phụ Nữ

Chi tiết: https://bit.ly/3AWWAFv