Blog Single

Tiêu chí 3 KHÔNG trong quản lý chất lượng

Trong quản lý chất lượng, việc suy nghĩ chất lượng phải được xây dựng trong công đoạn là hết sức quan trọng. Việc xây dựng chất lượng cần đòi hỏi những gì, cần xây dựng trên những tiêu chí nào là những điều chúng ta cần phải nắm bắt đầu tiên. Sau đây, tôi xin giới thiệu tiêu chí 3 KHÔNG trong quản lý chất lượng.

1.KHÔNG nhận sản phẩm lỗi

KHÔNG nhận sản phẩm lỗi từ công đoạn hay quá trình trước. Để thực hiện được điều này, nhân viên biết đâu là sản phẩm lỗi, đâu là những điều bất thường. Khi đã nhận biết được nội dung trên, nhân viên sẽ “từ chối” nhận sản phẩm lỗi từ các công đoạn hay quá trình trước.

2.KHÔNG làm ra sản phẩm lỗi

KHÔNG làm ra sản phẩm lỗi. Muốn vậy, chúng ta cần xây dựng một môi trường làm việc hay điều kiện sản xuất và các quy định cần thiết để nhân viên thực hiện để không tạo ra sản phẩm lỗi. Chúng ta có thể kết hợp Pokayoke trong sản xuất để ngăn chặn phát sinh lỗi đồng thời đảm bảo an toàn cho nhân viên.

3.KHÔNG trao sản phẩm lỗi đến công đoạn tiếp theo

KHÔNG “trao” sản phẩm lỗi sang công đoạn tiếp theo. Sau khi nhân viên thực hiện các thao tác trên sản phẩm ở công đoạn do mình đảm nhiệm, cần phải xác nhận xem sản phẩm đó có đạt theo tiêu chuẩn được yêu cầu hay không. Nói cách khác, nhân viên cần phải có “trách nhiệm” với sản phẩm của mình làm ra trước khi trao cho công đoạn tiếp theo.

※Chúng ta hãy xem xét ví dụ dưới đây :

Hãy hình dung công ty của bạn là một công ty sản xuất xôi. Muốn sản xuất xôi thì chúng ta cần có gạo nếp, nước, nồi đồ xôi, củi lửa (gas).Tôi giả định công đoạn đơn giản của công ty bạn như sau:

Chuẩn bị dụng cụ -> Lấy gạo (Gạo nếp) -> Đồ xôi -> Đóng gói -> Khách hàng

<Suy nghĩ> Vậy tiêu chí 3 KHÔNG được hiểu như thế nào?

1- KHÔNG nhận sản phẩm lỗi

Nếu nhân viên không biết mà lấy nhầm sang gạo tẻ thì chúng ta sẽ không có được nồi xôi mà lại chính là nồi cơm mà chúng ta thường ăn hàng ngày. Vậy thì, hãy chỉ cho nhân viên biết đâu là gạo nếp, đâu là gạo tẻ. Khi đó nhân viên sẽ biết sử dụng đúng loại gạo.

2-KHÔNG làm ra sản phẩm lỗi

Nếu nhân viên không biết lượng gạo là bao nhiêu, nấu trong thời gian bao lâu, lửa to nhỏ như thế nào thì họ sẽ không nấu được nồi xôi như bạn mong muốn. Vậy làm quy định sau đó chỉ cho họ về lượng gạo, thời gian đồ xôi, chỉnh lửa to nhỏ. Nhân viên sẽ là theo điều kiện được quy định sẵn như vậy bạn sẽ có được nồi xôi ngon.

3- KHÔNG trao sản phẩm lỗi đến công đoạn tiếp theo

Sau khi đồ xôi, nhân viên cần phải kiểm tra lại xôi đó đạt độ dẻo như yêu cầu hay chưa rồi mới chuyển sang công đoạn đóng gói.

■<Lời giải> Vậy thực tế chúng ta cần phải làm gì?

1- KHÔNG nhận sản phẩm lỗi

Hãy chỉ cho nhân viên biết đâu là gạo nếp, đâu là gạo tẻ bằng phương pháp như sau:

①Sử dụng hình ảnh gạo nếp và gạo tẻ để phân biệt

②Quy định bao đựng gạo nếp riêng, bao đựng gạo tẻ riêng

③Quy định khu vực để gạo nếp và gạo tẻ

④Quy định khi phát hiện gạo tẻ lẫn vào khu gạo nếp cần phải báo cáo cho cấp trên để xử lý

2-KHÔNG làm ra sản phẩm lỗi

Làm quy định sau đó chỉ cho họ về lượng gạo, thời gian đồ xôi, chỉnh lửa to nhỏ.Cụ thể như sau:

①Thiết lập tiêu chuẩn về điều kiện nấu xôi : Dung tích nồi đồ xôi XX (L), XX(Kg) gạo,XX (L) nước, XXphút

②Thiết lập hướng dẫn dựa theo tiêu chuẩn ở trên.

Bước 1. Chuẩn bị nồi có dung tích XX (L), XX(Kg ) gạo, XX (L) nước

Bước 2. Cho gạo và nước vào nồi

Bước 3. Bật ga mức 5 đun XX phút, sau đó vặn về mức 2 đun trong XX phút

※Sử dụng thêm checksheet xác nhận điều kiện đồ xôi đã đúng với tiêu chuẩn đề ra chưa.

3- KHÔNG trao sản phẩm lỗi đến công đoạn tiếp theo

Sau khi đồ xôi, cần phải kiểm tra lại xôi đó đạt độ dẻo như yêu cầu hay chưa.

①Nhân viên thực hiện kiểm tra độ dẻo và đánh giá dựa theo tiêu chuẩn.

②Khi độ dẻo không đạt yêu cầu cần quy định phương pháp xử lý rõ ràng như:

     -Thông báo cho cấp trên xác nhận để xử lý.

     -Hủy bỏ. Ghi chép hồ sơ báo cáo lên cấp trên 

Với nền tảng là suy nghĩ 3 KHÔNG trong quản lý chất lượng, tôi hy vọng rằng, bạn có thể xây dựng được quy trình quản lý hoàn hảo.