Quản lý công đoạn đặc thù

Quản lý Công đoạn đặc thù

Các công đoạn như sơn, mạ, uốn, hàn áp lực, xử lý nhiệt, đúc, rèn… còn được gọi là các công đoạn mang tính đặc thù. Sản phẩm khi trải qua các công đoạn đặc thù này thì khó lòng đánh giá được bằng mắt thường. Chính vì vậy, chúng ta cần đảm bảo các công đoạn đặc thù này hoạt động một cách chính xác. Để làm được như vậy, chúng ta cần kiểm chứng hay đánh giá công đoạn một cách bài bản và tỉ mỉ.

Chúng ta không thể khẳng định rằng, tất cả các công đoạn đặc thù của mọi công ty đều được kiểm soát tốt. Có nhiều công ty chất lượng sản phẩm đảm bảo và ổn định hầu như đều dựa vào các nhân viên lành nghề. Một khi những nhân viên này vì một lý do nào đó mà không làm việc tại công ty đó nữa thì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về chất lượng.

Trong những năm gần đây, có nhiều vụ phải thu hồi xe ô tô do bung khung hàn ngay cả xe hạng sang hay không đâu xa DAT bike cũng thu hồi xe máy điện vì có nguy cơ nứt khung. Một trong những nguyên nhân của những lỗi này là do việc quản lý các công đoạn đặc thù chưa được tốt.

Kiểm soát công đoạn hàn

Dưới đây, tôi xin lấy một ví dụ về công đoạn đặc thù đó là công đoạn hàn.

■Vật liệu và điều kiện hàn

Cần lựa chọn vật liệu hàn phù hợp với đối tượng sản phẩm. Bên cạnh đó, chúng ta cần làm rõ cách bảo quản và phương pháp xử dụng vật liệu. Đồng thời, cũng cần xem xét đến môi trường bảo quản của thiết bị liên quan.

■Phương pháp hàn

Trong nghề “hàn” có rất nhiều phương pháp. Mỗi phương pháp có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Chúng ta cần xem xét phương pháp hàn tối ưu trong hoàn cảnh và điều kiện cụ thể và đặc biệt là cần phải xem xét trên quan điểm đảm bảo chất lượng. Sau khi quy định phương pháp hàn, chúng ta cần đưa ra các tiêu chuẩn để quản lý.

■Đào tạo nhân viên

Thiết lập kế hoạch và tiến hành đào tạo kỹ năng hàn cho nhân viên. Quản lý kỹ năng nhân viên dưới dạng ma trận (skill map). Bên cạnh đó, cần đào tạo thường xuyên và có những khóa học nhằm nâng cao kỹ năng cho nhân viên.

■Quản lý truy vết

Trong trường hợp không may phát sinh sản phẩm lỗi, chúng ta có thể dựa vào hồ sơ chất lượng cũng như điều tra thực tế hiện trường để có thể điều tra nguyên nhân.

Cụ thể: Những vật liệu đã được sử dụng, thời hạn bảo quản, phương pháp hàn, nhân viên hàn, tiêu chuẩn hàn…

Đối với công đoạn đặc thù, cần phải quản lý và giám sát chặt chẽ hơn các công đoạn khác. Lý do bởi vì, các sản phẩm khi đi qua công đoạn này khó có thể đánh giá bằng mắt thường dẫn đến rủi ro cho việc lưu xuất ra bên ngoài rất cao. Một trong các biện pháp mà chúng ta có thể sử dụng đó là tăng tần suất giám sát hoặc sử dụng các checksheet đánh giá chi tiết về công đoạn.