Blog Single

Quản lý chất lượng: Xây dựng chất lượng trong từng công đoạn

Trong hệ thống quản lý sản xuất thì quản lý chất lượng là một trong những mảng quản lý quan trọng mà chúng ta không thể bỏ qua.

Nền sản xuất Nhật Bản nổi tiếng khắp thế giới cũng bởi yếu tố “Chất lượng”. Hẳn ai trong cũng ta cũng đã lớn lên cùng với các sản phẩm đến từ Nhật Bản. Mình vẫn nhớ chiếc xe Honda 82 của bố dùng đến hơn chục năm mà vẫn có người hỏi mua để mang về quê thồ hàng. Hay chiếc tivi SONY xem mòn mỏi vẫn chưa thấy hỏng.

Đặc trưng của quản lý chất lượng tại Nhật Bản chính là xây dựng chất lượng trong từng công đoạn và không bỏ lọt sản phẩm lỗi.

Quản lý chất lượng sử dụng thống kê là gì?

Khi nhắc đến chất lượng Nhật Bản, người ta sẽ nghĩ ngay tới thống kê. Bởi vì tất cả các vấn đề sẽ được mổ xẻ thông qua các con số chứ không phải kinh nghiệm hay trực giác.

Quản lý chất lượng sử dụng thống kê là phương pháp sử dụng hình thức “kiểm tra một vài chi tiết” và “kiểm tra toàn bộ chi tiết” để đảm bảo sản phẩm đạt mức chất lượng nhất định và không bỏ lọt sản phẩm lỗi.

Không để lọt sản phẩm lỗi tới công đoạn tiếp theo

Một trong những phương pháp tiêu biểu để “không bỏ lọt sản phẩm lỗi” chính là không để sản phẩm lỗi chảy đến công đoạn tiếp theo, không để sản phẩm lỗi lọt ra thị trường. Để làm được việc này thì việc kiểm tra toàn bộ chi tiết là không thể thiếu.

So với việc kiểm tra toàn bộ sản phẩm, phương pháp kiểm tra một phần sản phẩm bất kì giúp chúng ta tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, do chỉ kiểm tra một phần sản phẩm nên việc bỏ lọt sản phẩm lỗi hoàn toàn có thể xảy ra. Trong nhiều công xưởng, phương pháp kiểm tra một phần sản phẩm chỉ áp dụng cho các chi tiết đặc định, ít thay đổi trong quá trình gia công như chi tiết nhựa hay dập. Còn toàn bộ thành phẩm sẽ được đảm bảo chất lượng bằng phương pháp kiểm tra toàn bộ.

Từ những lý do trên, quản lý chất lượng không đơn thuần là chỉ thiết lập những chốt chặn kiểm tra để tìm ra sản phẩm lỗi mà còn phải nỗ lực để không làm phát sinh sản phẩm lỗi tại ngay công đoạn đó. Phương thức này được gọi là “Xây dựng chất lượng trong từng công đoạn“.

Xây dựng chất lượng trong từng công đoạn

Đây là một phương pháp quản lý chất lượng hết sức ưu việt bắt nguồn từ công ty TOYOTA của Nhật Bản. Khi mỗi công đoạn đều chỉ sản xuất sản phẩm tốt thì chắc chắn sản phẩm cuối cùng sẽ đạt chất lượng.

Để xây dựng chất lượng cho từng công đoạn, các công xưởng Nhật Bản thường xây dựng hoạt động kaizen chất lượng.

Nội dung của hoạt động kaizen chất lượng bao gồm:

  • Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng
  • Nắm bắt hiện trạng chất lượng thông qua số liệu thống kê
  • Tiến hành các giải pháp để giải quyết vấn đề phát sinh tại các công đoạn
  • Quay đều vòng tròn quản lý PDCA để duy trì hoạt động hướng tới nâng cao chất lượng.

Để hoạt động kaizen được tiến hành hiệu quả, chúng ta cần biết và sử dụng được 7 công cụ QC căn bản. Những công cụ này rất hữu ích trong việc phân tích nguyên nhân, kaizen công đoạn.

  • Biểu đồ Pareto
  • Biểu đồ Histogram
  • Biểu đồ phân tán
  • Các loại biểu đồ
  • Phân tầng dữ liệu
  • Phiếu kiểm tra
  • Biểu đồ xương cá
7 công cụ QC
7 công cụ QC

Ngoài ra, hiện nay chúng ta còn có thêm 7 công cụ QC mới, những công cụ này khó hơn, nếu bạn quan tâm có thể tìm hiểu ở đây.

Ngoài hoạt động QC trong công xưởng, các công ty Nhật còn áp dụng hoạt động TQC (Total Quality Control) trên quy mô toàn công ty.

Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn với sản phẩm, thì việc xây dựng một hệ thống chất lượng tốt ngày càng trở nên cấp bách với các công ty sản xuất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *