Pokayoke và sứ mệnh

Pokayoke là một công cụ vô cùng hữu ích để phòng chống lỗi cho người thao tác gây ra (Human error). Đây là công cụ được đề xướng bởi ông Shigeo Shingo và cũng được coi là một trong những trụ cột của phương thức sản xuất Toyota.

Loạt bài viết này, mời các bạn cùng blogsanxuat tìm hiểu về Pokayoke nhé.

Con người là động vật dễ gây ra lỗi

Nghe có vẻ cay cú không các bạn, nhưng đây lại là sự thật.

Vậy con người là động vật có những đặc tính như thế nào?

Dưới đây sẽ là một số đặc tính cơ bản của con người:

  • Có sức khoẻ
  • Biết ăn uống
  • Giao phối
  • Sống bầy đàn
  • Có ý thức, cảm giác, cảm xúc
  • Có thể sử dụng tay, trí nhớ
  • Có thể học tập
  • Có suy nghĩ và viết
  • Có ý thức
  • Có sáng tạo
  • Biết vui, biết buồn, biết khóc, biết cười
  • Có thể nói chuyện bằng ngôn ngữ
  • Biết hát, biết khóc
  • Cảm nhận được thời gian đang trôi đi
  • Có thể tấn công, tự vệ
  • Có để ý, quan tâm

…. Và nhiều khả năng khác nữa.

Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất giữa con người và các loại động vật khác chính là khả năng suy nghĩ, có cảm xúc, có thể sáng tạo ra cái mới, giao lưu với nhau để tạo ra một xã hội. Thậm chí, trong quá trình tiến hoá, con người còn tự tạo ra nhiều loại dụng cụ, máy móc và phát triển thành hệ thống. Công xưởng chính là một trong những hệ thống sản xuất như vậy. Ngoài ra, hiện nay còn người có chế tạo được máy tính, rô bốt có chức năng thay thế chính con người.

Với một chiếc máy, chỉ cần quản lý được theo những điều kiện thiết lập ban đầu, chiếc máy đó có thể hoạt động chính xác. Tuy nhiên, với cảm xúc mang trong mình, con người trở thành động vật mang đặc trưng dễ để xảy ra lỗi.

Đương nhiên, chẳng ai cố ý hay thích thú khi gây ra lỗi, tuy nhiên việc để xảy ra lỗi dường như là đương nhiên đối với con người trong cuộc sống cũng như trong công việc hàng ngày.

Ví dụ, bạn có thỉnh thoảng tắt nhầm chuông báo thức và rồi muộn làm hay không? Đã bao giờ nhầm muối với đường như mình chưa? Hay đang đi xe trên đường thì bất chợt quẹo xuống rãnh nước? Những lỗi thông thường như thế này chúng ta có kể cả ngày cũng không hết.

Đôi khi, cũng có những lỗi trong cuộc sống của chúng ta trở nên thú vị. Ví dụ lỗi của trọng tài khiến kết quả một trận bóng bị đảo lộn vào phút chót, biến nỗi buồn của người này thành niềm vui của người khác.

Mặc dù vậy, có những lỗi đơn giản chỉ cần cười trừ thì có thể cho qua được, nhưng lại có nhiều lỗi lại mang đến cho nạn nhân thương tật suốt đời hoặc cướp đi tính mạng của người bị nạn. Bạn nào làm trong xưởng dập lâu đời có thể gặp một công nhân đã mất một vài ngón tay. Hay thỉnh thoảng chúng ta vẫn gặp những tin va chạm giữa xe nâng và người công nhân dẫn đến tử vong. Một lỗi bất cẩn khi hút thuốc cũng có thể thiêu cháy cả một công xưởng, đẩy cuộc sống của bao người vào hoàn cảnh khốn khó.

Vì vậy, để không xảy ra những kết quả đau thương như vậy chúng ta cần tạo ra một hệ thống để giảm thiểu và triệt để loại bỏ những lỗi vô ý của con người. Đây chính là xứ mệnh của Pokayoke.

Vậy tại sao con người lại để xảy ra lỗi khi không có Pokayoke?

Con người vốn dĩ rất phức tạp và còn nhiều bí ẩn mà các nhà nghiên cứu vẫn chưa làm sáng tỏ hết. Tuy nhiên, các vấn đề sau được cho là nguyên nhân chính dẫn đến việc để xảy ra lỗi của chúng ta.

4 nguyên nhân chủ yếu gây ra lỗi cần khắc phục bởi Pokayoke

(1) Vấn đề về kĩ năng

Con người có một năng lực cơ bản được gọi là “Kỹ năng”. Kỹ năng bao gồm tri thức, kinh nghiệm và sự thành thục. Kỹ năng sẽ được nâng cao trong quá trình chúng ta học tập và rèn luyện.

Những người có kĩ năng cao thì khả năng để xảy ra lỗi cũng nhỏ hơn. Bạn chỉ cần nhớ lại thời điểm mình bắt đầu công việc trong công xưởng sẽ hiểu ngay điều này.

Cũng chính vì vậy mà hiện nay có rất nhiều bằng cấp và chứng chỉ để công nhận người có kỹ năng trong một lĩnh vực hoặc ngành nghề nhất định nào đó.

(2) Vấn đề về tính cách

Khi so sánh những người để xảy ra tai nạn giao thông và người không để xảy ra tai nạn giao thông, người ta đã phát hiện ra sự khác biệt về tính cách. Cũng tương tự với công việc lắp ráp và kiểm tra trong công xưởng, người để xảy ra lỗi và không để xảy ra lỗi cũng có những đặc điểm khác nhau. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, nhân viên sẽ được kiểm tra tính cách trước khi được phân công vào một bộ phận nào đó.

(3) Vấn đề về điều kiện tâm sinh lý

Đó là điều kiện về sức khoẻ và tinh thần. Điều này có lẽ bạn sẽ cảm nhận rõ rệt nhất với chính bản thân mình trong một ngày khoẻ mạnh bình thường và một ngày mệt mỏi. Đương nhiên, khi buồn ngủ chính là thời điểm chúng ta dễ để xảy ra lỗi nhất.

(4) Vấn đề về cảm xúc

Khi bất an về một vấn đề nào đó, chúng ta sẽ dễ xảy ra lỗi. Bạn có nhớ cảm xúc sợ hãi khi đi bất trộm ổi, khiến bạn không để ý dám vào cành nhỏ, bị gẫy và ngã xuống đất (sau đó bị chủ nhà đuổi) không?

Cảm xúc cũng là yếu tố rất lớn chi phối chất lượng công việc. Bạn không có động lực, được giao công việc mình không muốn làm đương nhiên công việc sẽ nhiều lỗi.

Mặc dù còn nhiều yếu tố khác nữa, nhưng đây là những yếu tố chính khiến con người mất tập trung và mất chú ý dẫn đến xảy ra lỗi.

Và kết quả của sự sơ ý, vô tình là để xảy ra những lỗi sau:

  • Quên mất việc cần làm
  • Quên mất cách làm
  • Nhầm cách làm
  • Bỏ qua việc nên làm
  • Nghĩ không làm cũng được
  • Làm sai cách
  • Nhầm cách đếm, cách đo
  • Không để ý

Những lỗi này không chỉ gây ra tổn hại trong công việc của mỗi người mà còn ảnh hưởng tới người khác, thậm chí là hoạt động của một công ty.

Vì vậy, áp dụng Pokayoke chính là một phương pháp không thể bỏ qua giúp chúng ta giảm thiểu tổn thất do lỗi của nhân viên trong hoạt động của một công xưởng nói riêng hay công ty nói chung.