Blog Single

Các loại biểu đồ: Bạn thích xem hình hay ngồi mò số liệu?

1. Các loại biểu đồ – công cụ biểu thị trực quan

Biểu đồ là một thủ pháp mà bất kì ai cũng có thể dễ dàng xây dựng và để hiểu tổng quát hiện trạng thông qua thị giác.

1.1. Biểu đồ là gì

Biểu đồ là công cụ đơn giản biểu thị mối tương quan giữa 2 hay nhiều dữ liệu có quan hệ tương hỗ với nhau. Các loại biểu đồ còn là một công cụ cung cấp thông tin về hiện trạng tổng thể của một vấn đề. Hơn nữa, biểu đồ cũng cho chúng ta cái nhìn đa chiều đối với một vấn đề. Ví dụ, biểu đồ hình tròn sẽ cho biết tỉ lệ giữa các yếu tố, biểu đồ đường gấp khúc với trục hoành là thời gian sẽ biểu thị sự biến đổi về giá trị theo thời gian, biểu đồ dạng cột sẽ cho biết sự sai lệch giữa giá trị của các yếu tố. Từ những biểu đồ trên, nếu điền nhận xét sau khi đánh giá biểu đồ vào phần ghi chú thì chúng ta có thể lưu lại được những thông tin quan trọng.

1.2. Đặc trưng của biểu đồ

Các loại biểu đồ có những đặc trưng sau:

– Có thể hiểu vấn đề một cách trực quan: Bằng việc thay đổi độ lớn biểu đồ hay chuyển động điểm của dữ liệu (dạng số trị) chúng ta có thể nắm bắt được tổng thể một cách trực quan và có thể nhấn mạnh những nội dung đó. Ngoài ra, việc phân tích từng dữ liệu riêng biệt là không cần thiết nên đối với những vấn đề khó, mang tính chuyên môn cũng có thể đáng giá thông qua biểu đồ.

– Việc xây dựng biểu đồ khá đơn giản: Vì việc lập biểu đồ không đòi hỏi những phép tính phức tạp hay kiến thức chuyên sâu, nên ai cũng có thể dễ dàng làm được.

– Dễ dàng nắm bắt những yếu tố quan trọng: Nếu nói về ngôn ngữ thì hầu như chỉ người trong một nước mới có thể hiểu nhau (trừ những ngôn ngữ phổ thông) nhưng với biểu đồ, nó đã được tiêu chuẩn hóa trên khắp thế giới nên việc truyền tải thông tin quan trọng thông qua biểu đồ cũng trở nên dễ dàng hơn.

2. Các loại biểu đồ

Biểu đồ có khá nhiều dạng như: Biểu đồ đường gấp khúc, biểu đồ dạng cột, biểu đồ tròn, biểu đồ đai… và mỗi một dạng đều có đặc trưng riêng. Hiện nay có khá nhiều dạng biểu đồ đang được sử dụng một cách rộng dãi như biểu đồ gấp khúc, dạng cột, dạng tròn… Ngoài ra, gần đây biểu đồ tranh minh họa và biểu đồ dạng 3D cũng đang dần được sử dụng phổ biến. Do mỗi biểu đồ đều có những đặc trưng, một mục đích riêng nên cần hiểu rõ công dụng của từng điều đồ để sử dụng đúng mục đích. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu đặc trưng của từng biểu đồ riêng biệt như sau:

Biểu đồ đường gấp khúc: Là dạng biểu đồ biểu thị giá trị dữ liệu bằng cách nối các điểm bởi các đường thẳng. Điều này sẽ giúp chúng ta nắm bắt được sự biến đổi giá trị của dữ liệu. Dạng biểu đồ này có trục hoành biểu thị thời gian nên việc nắm bắt sự biến đổi của những giá trị đặc biệt theo thời gian trở nên dễ dàng hơn.

Biểu đồ dạng cột: Là dạng đồ thị biểu thị dữ liệu bởi các cột có chiều rộng bằng nhau, vì thế có thể so sánh được sự khác nhau về số lượng. Biểu đồ dạng cột đặc biệt hiệu quả khi so sánh các yếu tố riêng biệt.

Biểu đồ tròn: là dạng đồ thị biểu thị tỉ lệ trong toàn thể của dữ liệu dưới dạng hình rẻ quạt. Từ biểu đồ tròn, chúng ta có thể thấy được chi tiết của dữ liệu.

Biểu đồ xếp chồng: là dạng đồ thị biểu thị toàn thể dữ liệu và nội dung dữ liệu bằng cách chia thành các vùng theo tỉ lệ của dữ liệu. Ngoài ra, việc thể hiện cùng lúc 2 biểu đồ xếp chồng trên cùng một trục sẽ giúp chúng ta có thể so sánh sự biến đổi của tỉ lệ theo thời gian hoặc so sánh tự phân tầng dữ liệu.

Biểu đồ Radar: là biểu đồ dạng mạng nhện được tạo bởi các đường thẳng nối từ trung tâm. Dạng biểu thị này giúp chúng ta so sánh đánh giá tương quan giữa nhiều dữ liệu.

Đặc trưng của các loại biểu đồ
Đặc trưng của các loại biểu đồ

2.1. Biểu đồ đường gấp khúc

Biểu đồ đường gấp khúc là biểu đồ biểu thị trạng thái thay đổi về số lượng. Đặc trưng biểu đồ này là giúp người sử dụng có thể vừa so sánh độ lớn của số trị, vừa có thể hiểu được sự sự thay đổi theo thời gian. Đặc biệt, nếu trục hoành được chọn để biểu thị thời gian thì đồ thị dạng này còn được gọi là biểu đồ chuỗi thời gian hoặc biểu đồ quản lý và thường được sử dụng rộng rãi trong việc quản lý công đoạn hàng ngày. Những điểm quan trọng khi xây dựng biểu đồ đường gấp khúc:

– Vẽ điểm gấp khúc với kích thước đủ lớn

– Thêm tiêu chuẩn quản lý hoặc giá trị mục tiêu để dễ dàng nắm bắt hiện trạng

Những điểm cần lưu ý khi xây dựng biểu đồ đường gấp khúc:

– Không nhất thiết phải lấy điểm gốc là “0”: Trong trường hợp giá trị của dữ liệu biến đổi xung quanh một giá trị nhất định nào đó thì khó có thể quan sát rõ mức độ biến đổi của dữ liệu. Vì vậy trong những trường hợp như thế này, thì việc chỉ để giá trị trên trục tung lớn hơn một chút so với giá trị lớn nhất và nhỏ hơn một chút so với giá trị nhỏ nhất sẽ giúp chúng ta dễ quan sát hơn.

– Không lược bỏ giá trị trên trục tung: Có nhiều trường hợp, khoảng đầu và khoảng sau của dữ liệu có sai lệch khá lớn về trị số, thì việc lược bỏ khoảng giá trị trung gian sẽ khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc quan sát mức độ biến đổi của dữ liệu. Vì vậy, dù chênh lệch độ lớn dữ liệu có lớn cũng không được lược bỏ khoảng giá trị giữa.

2.2. Biểu đồ cột

Biểu đồ dạng cột là biểu đồ dùng để so sánh độ lớn của số trị. Đặc trưng của dạng đồ thị này là các cột cùng bề rộng được sắp xếp cạnh nhau, sau đó dựa vào chiều cao để so sánh độ lớn của số trị. Những điểm quan trọng trong quá trình xây dựng biểu đồ dạng cột:

– Lấy giá trị “0” tại gốc của trục tọa độ

– Khoảng cách giữa các cột bằng nửa bề rộng của cột sẽ giúp việc quan sát dễ dàng hơn

– Việc sắp xếp các mục từ lớn tới nhỏ cũng giúp dễ quan sát hơn

– Đánh dấu dữ liệu gốc muốn so sánh

Những điểm lưu ý khi xây dựng biểu đồ dạng cột:

– Phải lấy giá trị “0” tại điểm gốc: Biểu đồ dạng cột dùng để so sánh về lượng. Nếu quan sát ví dụ sau ở hình bên ta sẽ thấy khi không lấy giá trị “0” thì ta vẫn hiểu “A có giá trị lớn nhất” và đồng thời có thể phán đoán nhầm rằng “A lớn gấp 2 lần B”. Vì vậy, việc lấy giá trị “0” tại gốc và vẽ đúng tỉ lệ sẽ giúp chúng ta có cái nhìn chính xác khi so sánh giá trị tuyệt đối của các dữ liệu.

– Không lược bỏ giá trị trên trục tung: Khi lược bỏ các giá trị trung gian có thể sẽ dẫn đến sự nhầm lẫn khi phán đoán giá trị của A là 40 chứ không phải A=70. Trong trường hợp A có giá trị lớn vượt trội so với các dữ liệu so sánh khác, chúng ta có thể biểu diễn A thành 2 hoặc nhiều hơn 2 cột để có thể đọc được giá trị tuyệt đối của dữ liệu A.

Những điểm lưu ý khi sử dụng biểu đồ
Những điểm lưu ý khi sử dụng biểu đồ

2.3. Biểu đồ tròn và biểu đồ xếp chồng

– Biểu đồ hình tròn biểu hiện tổng thể dữ liệu và tỉ lệ dữ liệu theo hình rẻ quạt. Biểu đồ này giúp người sử dụng quan sát được tỉ lệ của từng dữ liệu trong tổng thể. Ngoài ra, nó còn giúp so sánh tỉ lệ giữa các dữ liệu hoặc một dữ liệu với tổng thể.

– Khi cần xem xét sự biến đổi tỉ lệ của dữ liệu, người ta thường dùng biểu đồ xếp chồng. Biểu đồ này thường được sử dụng khi so sánh sự biến đổi dữ liệu trong các khoảng thời gian khác nhau và đánh giá sự thay đổi tỉ lệ đó.

2.4. Biểu đồ Radar

Biểu đồ radar rất tiện lợi trong các trường hợp biểu thị mối quan hệ giữa giá trị của các yếu tố với giá trị trung bình hay trong điều tra mang tính thời vụ (so sánh năm nay với năm trước đó). Sau đây là những trường hợp thường sử dụng biểu đồ:

– Khi điều tra tính thời vụ và lấy chu kì là 1 năm

– Khi muốn quan sát tính cân bằng giữa các yếu tố điều tra

– Khi muốn nắm bắt sự thay đổi về độ lớn theo thời gian

– Khi muốn quan sát mối quan hệ giữa các yếu tố và giá trị trung bình

– Khi muốn biết mức độ hoàn thành so với giá trị mục tiêu của các yếu tố

Trước khi xây dựng biểu đồ radar thì việc cần làm rõ “muốn so sánh cái gì” là rất quan trọng. Ví dụ, để đánh giá mức độ quan tâm của độc giả tới từng chuyên mục của tờ báo, tòa soạn đã thử làm phiếu điều tra để tìm hiểu về vấn đề này. Với thang điểm 5 thì điểm đánh giá trung bình trong 2 năm của độc giả được biểu thị như hình bên. Nhìn vào biểu đồ radar chúng ta có thể đánh giá được mục sản xuất và mục công nghệ là những chuyên mục có nhiều thay đổi tích cực và nhận được nhiều hơn sự ủng hộ từ độc giả.

Cách sử dụng biểu đồ radar
Cách sử dụng biểu đồ radar

3. Trực quan hóa đồ thị

Sau khi được xây dựng xong, không có nghĩa là tất cả đồ thì đều dễ hiểu và dễ nhìn. Đối với người xây dựng biểu đồ, không quá khó để hiểu nội dung biểu thị, nhưng đối với người khác khi sử dụng biểu đồ này hoặc người xem biểu đồ thì đôi khi khó mà nắm bắt ngay được biểu đồ hàm chứa những thông tin gì trong đó. Vì vậy, việc minh họa thêm cho đồ thị là rất quan trọng, đặc biệt trong quản lý chất lượng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *