Blog Single

Các bước xây dựng kế hoạch nguyên vật liệu

Kế hoạch nguyên vật liệu chính là kế hoạch quyết định nguyên liệu, số lượng cần thiết, yêu cầu chất lượng và thời hạn nhập hàng.

 

Trình tự lên kế hoạch nguyên vật liệu

Về cơ bản, kế hoạch nguyên vật liệu sẽ được xây dựng dựa trên kế hoạch sản xuất sản phẩm.

Sản phẩm cần nguyên vật liệu nào, kích thước ra sao, chất lượng yêu cầu thế nào thì chúng ta sẽ mua nguyên vật liệu phụ hợp để gia công.

Kế hoạch này sẽ được bộ phận mua thu mua sử dụng để đặt hàng ở bên ngoài.

Về cách phân loại nguyên vật liệu, chúng ta thường chia thành hai dạng chính đó là nguyên liệu thô và chi tiết. Nguyên liệu thô điển hình như sắt, thép, nhôm tấm… là những sản phẩm có mức độ gia công thấp (dạng tấm, dạng cuộn). Còn chi tiết là những sản phẩm đã được gia công hoặc lắp ráp.

Trong kế hoạch nguyên vật liệu chúng ta cũng chia ra thành kế hoạch cho vật liệu và kế hoạch cho chi tiết. Thường những chi tiết chúng ta có thể tự làm thì sẽ chỉ nhập nguyên liệu về gia công, còn những chi tiết nằm ngoài khả năng hoặc tình hình sản xuất đang quá tải chúng ta sẽ đặt mua bên ngoài. Ví dụ, một công ty gia công cơ khí thường mua nguyên liệu sắt thép và nhập chi tiết điện tử.

Thứ tự lên kế hoạch nguyên vật liệu
Thứ tự lên kế hoạch nguyên vật liệu

Kế hoạch chi tiết

Vì chi tiết là sản phẩm được gia công ở mức độ cao hơn nên chúng ta sẽ lên kế hoạch cho chi tiết trước.

Một sản phẩm hoàn chỉnh sẽ bao gồm nhiều chi tiết. Thời điểm này chúng ta sẽ quyết định đâu là chi tiết sẽ tự gia công và đâu là chi tiết sẽ mua ngoài.

Kế hoạch chi tiết sẽ quyết định chủng loại chi tiết cần thiết, số lượng cần thiết và thời điểm cần thiết của từng loại chi tiết.

Để lên được kế hoạch chi tiết, chúng ta cần lập bảng chi tiết cấu thành sản phẩm. Bảng cấu thành sẽ cho chúng ta cái nhìn tổng thể về chủng loại cũng như số lượng chi tiết cần sử dụng để sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.

Sau khi đã có bảng chi tiết cấu thành, chúng ta sẽ phân chia chi tiết theo các hạng mục quản lý như chi tiết chuyên dụng, chi tiết tiêu chuẩn hoặc chi tiết chung (được sử dụng trên nhiều sản phẩm khác nhau). Đồng thời chúng ta cũng quyết định và phân chia chi tiết gia công và chi tiết đặt mua (Hạng mục thu mua).

Cuối cùng làm phần tính toán số lượng cần thiết cho từng chi tiết. Dựa vào bảng cấu thành, chúng ta đã biết được một sản phẩm cần những chi tiết nào với số lượng bao nhiêu. Từ kế hoạch sản xuất, chúng ta sẽ tính được tổng số lượng cần thiết đối với mỗi loại chi tiết.

Kế hoạch vật liệu

Sau khi đã hoàn thành kế hoạch chi tiết, chúng ta sẽ lên kế hoạch vật liệu cho những chi tiết gia công.

Kế hoạch vật liệu sẽ dựa vào thông số kỹ thuật có trên bản vẽ chi tiết. Qua đó, chúng ta sẽ quyết định mua vật liệu sao cho phù hợp và tiết kiệm nhất có thể.

Ban đầu chúng ta sẽ lên kế hoạch vật liệu cho từng loại chi tiết riêng biệt và cuối cùng sẽ tổng hợp lại để được bảng kế hoạch nguyên vật liệu tổng hợp cần thiết cho sản phẩm hoàn chỉnh.